Chùa Xà Tón – Wikipedia tiếng Việt Bước tới nội dung

Chùa Xà Tón

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là phiên bản hiện hành của trang này do 14.169.244.46 (thảo luận) sửa đổi vào lúc 04:47, ngày 11 tháng 11 năm 2023. Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang.

(khác) ← Phiên bản cũ | Phiên bản mới nhất (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Một cảnh trong khuôn viên chùa Xà Tón

Chùa Xà Tón hay chùa Xvayton tọa lạc tại khóm 3, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đây là ngôi chùa tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc chùa tháp của người KhmerNam Bộ, là ngôi chùa Khmer xưa nhất tỉnh, và là nơi lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá có tại Việt Nam[1].

Tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Tương truyền, ngày xưa vùng này hãy còn hoang vu, rậm rạp, trên những nhành cây cao lớn, từng đàn khỉ đeo nhau mà chuyền đi. Đến khi người dân đến đây sinh sống ngày một đông và xây dựng chùa, họ lấy ngay cảnh tượng vừa vui vừa lạ mắt này, đặt tên cho chùa là Xvayton với nghĩa Xvay là khỉ, ton là đeo, là níu kéo...Lâu dần, tên Xvayton biến âm thành Xà Tón cho dễ đọc.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Chính điện chùa Xà Tón và những tháp mộ vây quanh

Không biết chùa được xây dựng vào năm nào, chỉ nghe các sư sãi kể chùa Xà Tón đã có trên 200 năm.

Ban đầu, chùa được che dựng đơn sơ bằng lá và gỗ núi trên một nền đất thấp. Đến năm 1896, nhà chùa và nhân dân quanh vùng ra sức đào một cái hồ ở phía trước với diện tích 0.150 ha để lấy đất tôn cao nền chùa. Nền chùa đắp cao 1,8 m được xây bằng đá xanh, vôi, ô dước. Sau đó, chùa được khởi công xây dựng kiên cố bằng gạch ngói, cột bằng gỗ căm xe, qua hai năm công trình này mới hoàn thành và nó có diện mạo như ngày hôm nay.

Năm 1933, chùa Xà Tón có một lần sửa chữa nhỏ, cây kèo phía sau chính điện bị hư, Sãi cả Tà Um đã cho người thay bằng một cây kèo mới và xây thêm hai cây cột bê tông cốt sắt để phụ chống đỡ.

Kiến trúc

[sửa | sửa mã nguồn]

Giống như các chùa Khmer khác, chùa Xà Tón tuân theo một quy cách bố cục và kiến trúc thống nhất.

Chính điện chùa Xà Tón nằm ở trung tâm khu đất theo hướng Đông Tây, với nóc nhọn, hai mái cong gộp lại. Trên nóc tháp chùa chính có cấu trúc thần rắn Naga nằm dài, tượng trưng cho sự dũng mãnh và bất diệt.

Mái chính điện lợp ngói được cấu trúc tam cấp, lợp ngói đỏ, xanh, vàng. Chung quanh ngôi chính điện là các tháp nhỏ, đẹp đẽ dùng để lưu giữ hài cốt của các sư sãi ở chùa sau khi đã hỏa táng. Trên các đỉnh tháp nhỏ này được chạm hình thần Bayon bốn mặt, tức thần sáng tạo.

Bên trong chính điện rộng, có bốn hàng cột bằng gỗ căm xe, mỗi hàng bảy cây, nền chùa được lát gạch bông, tường gạch, vôi, ô dước.

Trên khắp các vách tường, phía trên, có vẽ nhiều tranh truyện cổ tích của Phật và các đệ tử. Ở một bên vách của nơi chính điện, có một tượng Phật lớn bằng xi măng ngồi kiểu kiết già trên bệ cao và nhiều tượng nhỏ bằng bạc, bằng gỗ khá đặc sắc ở phía trước.

Bên ngoài chùa Xà Tón, phía trước có hồ lớn (nơi đào để lấy đất tôn nền chùa) trồng hoa sen, hoa súng. Đặc biệt ở phía bên trái ngoài những hàng dừa trĩu quả, còn có một tượng Phật lớn đang ngồi thiền định dưới bóng cây lâm vồ có tuổi trên 100 năm, gốc khoảng mười người ôm, thân cao, cành lá xum xuê.

Theo truyền thống, chính điện của chùa là nơi hành lễ, thuyết pháp, còn nơi học, nơi ở của các vị sư là những dãy nhà khác, có phần nhỏ hơn nhưng cũng có hai mái cong gập lại, có nóc nhọn và hình tượng thần rắn Naga.

Lễ thường kỳ

[sửa | sửa mã nguồn]
Tượng Phật Thích Ca bên gốc cây lâm vồ trên trăm năm tuổi trong khuôn viên chùa

Chùa Xà Tón có những ngày lễ thường kỳ trong năm:

  • Lễ: Chol Chnam Thmay: Lễ mừng năm mới, vào các ngày 13, 14, 15 tháng 4 dương lịch.
  • Lễ Pisat bo chia: Lễ nhớ ơn Phật, kỷ niệm ngày Phật ra đời, vào ngày rằm tháng 4 âm lịch.
  • Lễ Chôl Neasa: Lễ cấm cung, tức không cho các sư sãi ra khỏi chùa trong ba tháng, trừ trường hợp cha mẹ, thầy bệnh hoặc chính quyền cần đến, nhưng không được quá 7 ngày. Lễ bắt đầu từ ngày rằm tháng 6 âm lịch đến hết ngày rằm tháng 9 âm lịch.
  • Lễ Pha Chum Bênh: tức lễ Đôn Ta (lễ ông bà, giống như lễ Thanh minh của dân tộc Kinh). Lễ kéo dài 15 ngày, từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 10 dương lịch. Suốt những ngày này, người dân khmer mang bánh tét, hoa quả, cơm canh đến chùa cúng tế, để tỏ lòng biết ơn người quá cố và cầu an, cầu phúc cho gia đình...
  • Lễ Kà Thận: Lễ sắm quần áo cho sư sãi, các vật dụng cho nhà chùa hoặc cho trường học trong làng.

Ngoài những lễ trên, còn có những ngày lễ không theo quy định...

Giá trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Với những lễ hội truyền thống cùng vị trí địa lý thuận lợi và giá trị lịch sử văn hóa dân tộc, chùa Xà Tón là một trong những điểm tham quan của nhiều du khách khi đi đến khu vực này.

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và An Giang, chùa Xà Tón cũng như nhiều chùa khác của đồng bào Khmer, chùa không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn là trung tâm văn hóa, nơi gìn giữ những phong tục, tập quán, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật dân tộc cổ truyền; nơi thanh niên và bà con dân tộc Khmer đến tu học để trở thành người có tri thức, đức hạnh và chăm chỉ lao động.

Ngoài giá trị trên, chùa Xà Tón với cấu trúc tinh tế, đặc sắc còn là một danh lam nổi tiếng của tỉnh và là nơi lưu giữ trên 100 bộ kinh ghi trên lá cây buông (người khmer gọi là bộ sách SaTra). Ngày 12 tháng 12 năm 1986, chùa được Bộ Văn hóa ra quyết định số 235/VH-QĐ công nhận là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Đầu năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục chùa Xà Tón là ngôi chùa lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá có tại Việt Nam [2].

Một vài hình ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Nguồn: Nhiều người soạn, Kỷ lục An Giang 2009 (Nhà xuất bản Thông Tấn, 2009, tr. 106), và thông tin trên website Văn nghệ sông Cửu long: [1].
  2. ^ Theo

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]